Định nghĩa lại các thuật ngữ về các kỹ thuật làm biến đổi cao độ nốt nhạc của cây harmonica.

Đúng ra là mình không viết lại cái này nữa, vì đã có viết trước rồi, nhất là trong bài “Từ điển thuật ngữ mini về harmonica học”, nhưng hình như có bạn vẫn còn chưa rõ, hoặc là chưa đọc qua blog này. Một quản trị viên diễn đàn không nên nhầm lẫn mấy cái này, nhất là lại nhầm vài lần. Những gì một quản trị viên viết ra sẽ được rất nhiều thành viên tin tưởng.

Trước tiên, mình xin dẫn lại bài viết cũ:

Từ điển thuật ngữ mini về harmonica học 😀

“Bend”, nếu không có từ “over” đi kèm, có nghĩa là “luyến xuống”, kéo cao độ của một nốt bình thường xuống thấp dần. Ví dụ, nếu muốn luyến xuống từ nốt D4, trước tiên phải chơi nốt D4, rồi bắt đầu kéo cao độ nó xuống thành nốt Db4.

Nếu “bend” đi kèm với “dip” (dip bend) thì có nghĩa là “bend đè”, nghĩa là đột ngột hạ thấp cao độ một nốt mà không cần chơi nốt bình thường trước. Ví dụ, khi ngậm lỗ 1 kèn Blues giọng Đô, thì dip bend để phát ra nốt Db4 ngay mà không cần kéo từ nốt D4 xuống.

(Cập nhật 11/11/2014: nghĩa chính xác của “dip bend” hình như là thực hiện một nốt bend “tức thì”, tức là vào nốt thấp ngay, sau đó thì unbend (nhả bend) để luyến lên nốt “gốc”. Do không tìm được thuật ngữ về bend “tức thì” có sẵn trên Internet nên mình mượn “dip bend” để chỉ nghĩa này).

Xét về chiều hơi để thực hiện kỹ thuật (dip) bend, nếu chiều hơi thổi ra thì gọi là “blow-bend”, nếu chiều hơi hút vào thì gọi là “draw-bend”.

Xét về số lưỡi gà tham gia vào cú (dip) bend (hay nói chính xác hơn là số lưỡi gà cùng rung):

– Nếu có hai lưỡi gà (ngược chiều hơi nhau như trên cây kèn Blues bình thường, hoặc trên cây kèn diatonic tremolo nếu người chơi chỉ ngậm 2 lỗ đơn kề nhau trên cùng một hàng lỗ) thì gọi là (dip) bend lưỡi gà kép (double-reed bend);

– Nếu chỉ có một lưỡi gà (như trên cây kèn Blues có gắn van nửa (half-valving), hoặc trên cây kèn chromatic có cần bấm có van đầy đủ (full-valving), hoặc là trên cây diatonic tremolo khi người chơi chỉ ngậm đúng một lỗ đơn (kiểu của bác Tòng Sơn?)) thì gọi là (dip) bend lưỡi gà đơn (single-reed bend) hoặc (dip) bend có van (valved bend).

“Bend”, nếu có từ “over” đi kèm (over-bend), thì có nghĩa là “luyến lên”, tức là nâng cao độ của một nốt bình thường lên. Tuy nhiên, thuật ngữ này cũng không chính xác lắm, vì cao độ không thực sự được luyến lên, mà là một sự nhảy đột ngột, rất giống ý nghĩa của “dip” trong “dip bend”. Ví dụ, khi ngậm lỗ 6 kèn Blues giọng Đô, người chơi over-bend để lấy được nốt A#5, là nốt thăng của nốt A5.

Over-bend có 2 chiều hơi, hay nói cách khác là 2 kỹ thuật con: nếu chiều hơi là thổi thì gọi là “over-blow”, nếu chiều hơi là hút thì gọi là “over-draw”. Các bạn nên chú ý là từ “bend” biến mất trong tên hai kỹ thuật con này, nhưng chúng vẫn là các kỹ thuật over-bend. Cứ thấy kỹ thuật nào mà có từ “over” trong đó thì nó chính là over-bend, bất chấp là hút hay thổi, draw hay blow.

Về số lưỡi gà tham gia vào cú over-bend, thì luôn luôn chỉ có 1 và chỉ 1 lưỡi gà rung mà thôi. Nếu có hai lưỡi gà ngược chiều hơi nhau cùng nằm trong vùng ảnh hưởng của luồng hơi người chơi, lưỡi gà không kêu được gọi là lưỡi gà tắc (choked reed). Lưỡi gà tắc này không kêu là do được điều chỉnh thích hợp, hoặc là bị bịt lại. Nếu cái khoang lưỡi gà chỉ có một lưỡi gà duy nhất, thì lưỡi gà tắc được xem như không tồn tại.

Một đặc điểm giúp phân biệt giữa bend và over-bend nữa, đó là chiều hơi mà lưỡi gà rung so với chiều hơi bình thường của nó:

– Trong bend, luôn luôn có một lưỡi gà rung ở chiều hơi bình thường của nó, bất chấp có bao nhiêu lưỡi gà tham gia vào cú bend. Ví dụ, nếu cú bend hút xảy ra ở lỗ 1 kèn Blues giọng Đô, thì có 2 lưỡi gà C4 (chiều hơi bình thường là thổi) và D4 (chiều hơi bình thường là hút) cùng rung ở chiều hơi hút; nếu cú bend hút xảy ra ở lỗ đơn 2 của kèn diatonic tremolo 24 lỗ giọng Đô kiểu châu Á, chỉ có một lưỡi gà D4 (chiều hơi bình thường là hút) rung ở chiều hơi hút.

– Trong over-bend, một lưỡi gà duy nhất lại rung ở chiều hơi ngược với chiều hơi bình thường của nó. Ví dụ, khi over-bend lưỡi gà D4, người ta dùng chiều hơi thổi ra, ngược với chiều hơi bình thường của nó là hút vào.

Nếu xét cùng một lưỡi gà, thì bend hạ thấp cao độ bình thường của nó xuống, và over-bend nâng cao cao độ bình thường của nó lên. Ví dụ, xét lưỡi gà A5, bend hạ thấp cao độ của nó xuống thành Ab5 ở chiều hơi hút (draw-bend), còn over-bend nâng cao độ của nó lên thành A#5 ở chiều hơi thổi (over-blow).

Ngoài việc đọc thêm thông tin, việc thực sự tự mình thử và thực hành các kỹ thuật này cũng giúp nhớ những sự rắc rối này tốt hơn 😀

Đăng bởi HarmonicaFreshman

Ờ-bao-tờ du

Bạn nghĩ gì về bài viết này?