Kỹ thuật bend và instant bend

Đang hoàn thiện…

Khái niệm:

Bend: uốn nốt xuống (luyến xuống), cao độ sẽ từ nốt ban đầu hạ dần xuống.

Dip Immediate bend: uốn nốt xuống kiểu đè, cao độ sẽ ngay lập tức thấp, không cần hạ dần từ nốt ban đầu.

Vì sao phải bend và dip immediate bend?

Bend là cách chuyển đổi giữa hai nốt một cách mềm mại từ cao xuống thấp thay vì nhảy quãng đột ngột theo kiểu bình thường, tạo ra một nét trang điểm cho bài nhạc thêm đẹp.

Dip immediate bend là tạo ra các nốt mà cách thổi bình thường không thể tạo ra được trên cây kèn diatonic (tức là tạo ra các nốt không có trong thang âm diatonic của cây kèn). Nốt dip immediate bend là nốt có cao độ thấp nhất, cuối cùng trong quá trình bend.

Còn một khái niệm tuy ít được nói đến nhưng không thể thiếu, đó là unbend. Unbend là nâng một nốt đã được bend hay dip immediate bend trước đó lên trở về nốt bình thường. Còn được gọi là nhả bend.

Nếu kết hợp giữa bend và unbend nhanh liên tiếp nhau thì sẽ tạo ra hiệu ứng ngân cao độ (vibrato), hoặc nếu chỉ bend và unbend ít lần và chậm (bend trước, unbend sau) thì sẽ tăng tác dụng biểu cảm của bài nhạc, tùy tình huống là vui hay buồn.

Nếu kết hợp dip immediate bend trước và unbend sau thì sẽ tạo hiệu ứng luyến nốt lên, cũng là một kỹ thuật trang điểm bài nhạc.

Khả năng bend trên một cây kèn harmonica Blues bình thường:

Nguyên tắc vật lý của bend tương đối dài dòng, sẽ có một bài viết khác nói về cái này. Còn nói đơn giản, xét hai nốt thổi-hút bình thường trong cùng một lỗ của cây kèn Blues, nốt kết quả của kỹ thuật bend sẽ có cao độ nằm giữa nốt cao và nốt thấp và cùng chiều thổi hay hút của nốt cao hơn. Ví dụ, xét cây kèn giọng C, lỗ 1 có 2 nốt: C4 thổi, D4 hút, D4 cao hơn C4, do đó nốt bend có thể có ở lỗ này là C4# (D4b), nằm ở giữa C4 và D4, và chiều hơi để bend là hút vào, cùng chiều với nốt cao hơn là D4; xét lỗ 8, lỗ này có hai nốt: E6 thổi, D6 hút, E6 cao hơn D6, do đó nốt bend có thể có ở lỗ này là D6# (E6b), nằm ở giữa D6 và E6, và chiều hơi để bend là thổi ra, cùng chiều với nốt cao hơn là E6. Bend khi hút vào được gọi là draw-bend, còn bend khi thổi ra thì được gọi là blow-bend.

Số các nốt bend ở lỗ 2 và 3 sẽ nhiều hơn các lỗ khác vì khoảng cách giữa 2 nốt thổi-hút của mỗi lỗ này là lớn. Cụ thể là ở lỗ 2, khoảng cách giữa E4 và G4 là 1,5 cung, có thể tạo ra 2 nốt bend là G4b và F4; còn ở lỗ 3, khoảng cách giữa G4 và B4 là 2 cung, có thể tạo ra 3 nốt bend là A4b, A4 và B4b, trong khi ở phần lớn các lỗ còn lại, khoảng cách này tối đa chỉ là 1 cung, chỉ có thể tạo ra một nốt bend.

Nốt bend ở các lỗ 5 và 7 là ít rõ rệt nhất, chỉ tạo ra một sự thay đổi cao độ nhỏ chưa đến nửa cung, vì khoảng cách giữa 2 nốt thổi-hút của mỗi lỗ này chỉ là 0,5 cung (một bán cung), thường thì bend kết hợp với unbend ở những lỗ này chỉ có tác dụng trang điểm và biểu cảm là chính chứ không thể dip immediate bend để tạo ra các nốt không có trong thang âm diatonic của kèn.

Lỗ 10, về lý thuyết, là có thể blow-bend được, nhưng cây kèn càng có chất lượng thấp thì càng khó thực hiện (ví dụ như cây Easy Rider của Suzuki).

Trên những cây kèn rẻ tiền như Easy Rider, dip immediate-bend ở chiều thổi (blow dip immediate bend) dường như rất khó thực hiện.

Kỹ thuật tập luyện:

Kỹ thuật tập luyện bend, dip immediate-bend, unbend đã được nói nhiều trước đây, tiêu biểu là ở đây, nhưng theo kinh nghiệm cá nhân với cây Easy Rider (là một cây kèn rẻ tiền, được coi là rẻ tiền nhất trong họ harmonica Blues của hãng Suzuki và chẳng có mấy người đề nghị mua và chơi thử do quan niệm là cây này khó bend, do đó cũng không có mấy sound hay video clip trình diễn bend trên cây này), thứ tự tập luyện bend thuận lợi nhất là từ lỗ 1 đi lên và ban đầu phải có băng keo (băng dính) dán hai bên lỗ đang tập, bít các lỗ còn lại, để hỗ trợ.

Thời gian để đạt được các kỹ thuật bend, unbend và dip immediate-bend, với các hạn chế đã nêu ở trên, theo kinh nghiệm cá nhân, mất vài tháng.

Cập nhật 6/7/2013:

Khi (dip immediate) bend, hình dáng miệng-lưỡi là quan trọng hơn độ mạnh hơi. Khi tập bend mà chưa đạt đến cao độ nốt thấp mong muốn, trước tiên cần xem xét đến hình dáng miệng-lưỡi đã đúng chưa, đủ chưa. Nếu hình dáng miệng-lưỡi đúng thì độ mạnh hơi không cần lớn lắm, thậm chí khác biệt với nốt bình thường không đáng chú ý lắm. Nếu cao độ nốt chưa đủ thấp mà đã vội tăng cường độ hơi (thổi hay hút càng lúc càng mạnh) thì đó là thảm họa của các lưỡi gà, người tập sẽ sớm phải thay kèn mới hoặc lưỡi gà mới. Cái đó người ta gọi là “Cố quá thì thành quá cố” 😀 Người tập mới nên lưu ý điều này vì lỗi này thường bị mắc phải.

Ngoài kỹ thuật của chính người tập ra thì chất lượng kèn và cấu hình lưỡi gà cũng rất quan trọng.

Cây kèn càng kín hơi thì bend càng dễ. Hơi có thể bị thất thoát qua khe giữa lược kèn và tấm đế lưỡi gà, qua khe giữa cạnh của lưỡi gà và cạnh trong của lỗ lưỡi gà.

Khe hở lược kèn – tấm đế lưỡi gà có thể được làm khít bằng cách vặn các ốc vít chặt hơn (nhưng cái gì cũng có giới hạn của nó, cố quá thì thành quá cố), mặt tiếp xúc với nhau của lược kèn và tấm đế lưỡi gà thật phẳng, vật liệu của lược kèn tương đối đàn hồi, gần giống với cao su để áp sát vào tấm đế lưỡi gà. Sáp có thể giúp chữa trị các vấn đề hở hơi rất tốt, bằng độ dễ biến dạng và dễ trám kín khe hở của nó. Mình cũng đọc thấy là người ta còn dùng sơn móng tay (nail polish).

Khe hở giữa lưỡi gà và cạnh trong lỗ lưỡi gà cũng có thể trị bằng cách làm bẹt (embossing), hoặc sơn móng tay, hoặc sáp.

Việc khắc phục sự hở hơi thì dễ làm hơn và an toàn hơn đối với người mới làm quen kèn.

Độ dày của tấm đế lưỡi gà cũng rất quan trọng. Cái này thì người chơi không thể can thiệp gì nhiều. Có lẽ kèn càng tốt (và càng đắt tiền) thì tấm đế này càng dày chăng?

Về cấu hình lưỡi gà, cần điều chỉnh khe hở lưỡi gà – tấm đế lưỡi gà (reed gap) của cả lưỡi gà hút và thổi. Cái này cần người chơi có kinh nghiệm nhiều hơn vì nguy cơ gãy lưỡi gà dễ xảy ra.

Cập nhật 8/11/2013:

Trong đoạn video clip này, tác giả dạy draw-bend, bắt đầu từ lỗ 1 (như mình nói ở trên, mình thấy rằng như thế sẽ dễ hơn rất nhiều so với bắt đầu từ lỗ 6, mà mình tập từ lỗ 1 đi lên). Chủ yếu là phát âm “Khoọc… Khoọc…” ở chiều hút vào. Lúc đầu, giữ cho đầu lưỡi nằm thấp, còn phần sau của lưỡi thì chạm vòm miệng, sau đó phát âm “Khoọc” hút vào, điều đó làm cho phần sau của lưỡi bắt đầu hạ xuống, rời khỏi vòm miệng, và động tác này càng ở sâu về phía sau của lưỡi thì càng tốt, và tiếng bend rất có khả năng xảy ra lúc đó. Khi đã quen thì các cơ lưỡi và miệng, họng trở nên hoạt động tự nhiên và thoải mái, thư giãn nhiều hơn, và tiếng bend nghe sẽ tự nhiên hơn, mềm mại hơn và ít “gầm gừ” hơn.

Cập nhật 15/02/2015:

“Dip bend”, theo một số nguồn, có nghĩa là tạo ra một nốt bend thấp ngay tức thì, sau đó unbend dần để về nốt gốc.

Do không tìm được nhóm từ tiếng Anh có sẵn trên mạng Internet mà tương đương với bend thấp tức thì (nhưng không có giai đoạn unbend) để tạo nốt còn thiếu trên cây kèn diatonic nên mình đã mượn “dip bend” để diễn tả.

Nếu từng có một từ tiếng Anh tương đương như thế, theo mình, có lẽ chính xác nhất nó sẽ là “immediate bend” (bend không qua trung gian, bend tức thì, bend tức khắc).

Từ đây về sau, mình sẽ dùng “bend tức thì” để diễn tả ý nghĩa này, tuy nhiên với một chút e ngại trong lòng vì trước đây hầu như chưa có ai dùng kiểu như thế, hoặc nếu có từ nào đó khác, được công nhận chính thức thì nó ở đâu đó mà mình chưa tìm ra.

Cập nhật 25-07-2020:

“Instant bend” hoặc “sudden bend” (“bend đột ngột”) thì có lẽ ngắn gọn hơn “immediate bend” nhưng nghĩa vẫn tương đương.

Đăng bởi HarmonicaFreshman

Ờ-bao-tờ du

Tham gia bình luận

2 bình luận

  1. Nhạc cụ Harmonica Ở Vn nếu Có người dịch cho cách chơi Harmonica hoặc có người hướng dẫn… sẽ Có nhiều người chơi hơn.

Bạn nghĩ gì về bài viết này?